Vốn hóa thị trường là gì?

Admin 13/02/2020

Trong thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán, khái niệm vốn hóa thị trường là thước đo quy mô của một doanh nghiệp, là chỉ tiêu chủ yếu đánh giá sự thành công hay thất bại của một công ty niêm yết. Vốn hóa thị trường cũng là một trong những yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất giúp nhà đầu tư xác định được quy mô và tiềm năng của một công ty để từ đó hoạch định các chiến lược đầu tư vào cổ phiếu một cách hợp lý nhất.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Vốn hóa thị trường là gì? và xu hướng của nhà đầu tư đối với các công ty có vốn hóa lớn và nhỏ ra sao trên thị trường.

Các khái niệm: vốn hóa và vốn hóa thị trường

Vốn hóa (Capitalization): trong kế toán thì vốn hóa là một phương pháp nhận dạng và xử lý chi phí của một tài sản được sử dụng trong suốt vòng đời của nó. Còn trong tài chính thì vốn hóa bao gồm tổng cổ phiếu của một công ty, nợ dài hạn và thu nhập được giữ lại. Ở đây chúng ta chỉ xét khái niệm vốn hóa trong tài chính.

Vốn hóa thị trường (Market Capitalization, hay còn được viết gọn là Market Cap): là tổng giá trị của tất cả cổ phiếu đang lưu hành của một công ty được niêm yết trên thị trường.

Vốn hóa thị trường có giá trị bằng tổng số cổ phiếu đang lưu hành nhân với giá thị trường của một cổ phiếu.

Ví dụ: Công ty cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk (VNM) đang lưu hành 2 tỷ cổ phiếu, giá của một cổ phiếu là 122.000 VND. Vậy thì vốn hóa thị trường của VNM thời điểm này là 244.000.000.000.000 (244.000 tỷ VND)

Khi tính vốn hóa thị trường, chỉ tính tổng số cổ phiếu thường, không bao gồm cổ phiếu ưu đãi. Số lượng cổ phiếu đang lưu hành bao giờ cũng ít hơn tổng số cổ phiếu mà công ty phát hành, bởi vì một số lượng lớn cổ phiếu đang lưu hành nội bộ (sở hữu bởi những thành viên nội bộ của công ty), phần khác được chính công ty mua lại làm cổ phiếu quỹ…

Các yếu tố làm thay đổi vốn hóa thị trường của một công ty

Giá trị vốn hóa thị trường được cấu thành từ 2 nhân tố, đó là tổng số cổ phiếu thường đang lưu hành và giá thị trường của một cổ phiếu. Khi một trong 2 nhân tố này thay đổi hoặc cả 2 cùng thay đổi thì giá trị vốn hóa thị trường sẽ thay đổi theo.

Giá thị trường của cổ phiếu thay đổi liên tục từng giây dưới tác động của các giao dịch mua-bán trên thị trường hay mối quan hệ cung-cầu, chính vì thế giá trị vốn hóa thị trường cũng thay đổi tương ứng. Giá cổ phiếu biến động trên thị trường chứng khoán cũng giống như tỷ giá ngoại tệ biến động trên thị trường forex.

Số lượng cổ phiếu đang lưu hành cũng thay đổi, tuy nhiên mức độ thay đổi là không thường xuyên. Sự thay đổi về số lượng cổ phiếu đang lưu hành thường chỉ xảy ra trong một số trường hợp như: công ty phát hành thêm cổ phiếu, mua lại một công ty khác hoặc bán đi một công ty con, mua lại cổ phiếu của mình trên thị trường, hoặc một bộ phận các cổ đông chủ chốt đang nắm giữ số lượng lớn cổ phiếu bán chúng ra thị trường, trong trường hợp này giá cổ phiếu sẽ giảm xuống rất mạnh.

Phân loại công ty theo vốn hóa thị trường

Hiện nay chưa có một tiêu chuẩn nào để phân loại các công ty theo vốn hóa thị trường. Ở mỗi quốc gia sẽ có những cách phân loại khác nhau phụ thuộc vào đặc điểm về vốn hóa thị trường của các công ty tại quốc gia đó.

Có thể phân loại các công ty thành 6 nhóm sau

  • Mega Cap: vốn hóa thị trường trên 200 tỷ USD
  • Big/Large Cap: 10 đến 200 tỷ USD
  • Mid Cap: 2 đến 10 tỷ USD
  • Small Cap: 300 triệu đến 2 tỷ USD
  • Micro Cap: 50 triệu đến 300 triệu USD
  • Nano Cap: dưới 50 triệu USD

Các công ty đang có vốn hóa thị trường cao nhất Thế giới hiện nay như Amazon, Microsoft, Apple, Google… đều có vốn hóa thị trường trên 700 tỷ USD.

Tại thị trường Việt Nam, có thể phân loại các công ty theo vốn hóa thị trường thành 4 loại

  • Công ty có vốn hóa lớn (Big Cap): trên 10.000 tỷ đồng
  • Công ty có vốn hóa trung bình (Mid Cap): từ 1.000 tỷ đến 10.000 nghìn tỷ đồng
  • Công ty có vốn hóa nhỏ (Small Cap): từ 100 tỷ đến dưới 1.000 tỷ đồng
  • Công ty có vốn hóa siêu nhỏ (Micro Cap): dưới 100 tỷ đồng

Các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất Việt Nam hiện nay, tính đến ngày 29/11/2019: Tập đoàn Vin Group (387.125 tỷ đồng), Vietcombank (316.367 tỷ đồng), Vinhomes (307.820 tỷ đồng)…

Trên thị trường thường xuất hiện thuật ngữ Bluechip, MidCap hay Penny, thì đây cũng là những thuật ngữ dùng để chỉ các công ty có vốn hóa thị trường lớn, trung bình và nhỏ.

Chiến lược của nhà đầu tư dựa vào vốn hóa thị trường

Vốn hóa thị trường có thể phản ánh được giá của cổ phiếu, nhưng giá của cổ phiếu lại liên tục biến động theo kỳ vọng của nhà đầu tư, chính vì thế vốn hóa thị trường không phản ảnh được giá trị thực sự của cổ phiếu hay giá trị thực sự của doanh nghiệp.

Thường thì đầu tư vào các công ty có vốn hóa thị trường nhỏ không mang lại lợi nhuận cao và ngược lại rủi ro khá lớn. Các công ty này hầu hết là những công ty còn non trẻ, dưới tác động của các chính sách kinh tế hay lúc thị trường biến động mạnh thậm chí rơi vào khủng hoảng thì khả năng chống chọi của các công ty này thường rất yếu ớt.

Các công ty có vốn hóa trung bình thường là các công ty đang trên đà phát triển, sẽ có lúc đi vào những giai đoạn chuyển mình, lúc này sẽ có 2 trạng thái xảy ra: hoặc là công ty sẽ chuyển mình thành công và đạt được tốc độ tăng trưởng cao hoặc là thất bại và rơi vào tình trạng khủng hoảng. Vậy thì nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu của công ty này cũng sẽ rơi vào 2 trạng thái như thế: hoặc là lợi nhuận rất lớn hoặc là thua lỗ rất nặng. Đối với các công ty này, để an toàn hơn thì nên đầu tư theo danh mục. Một danh mục bao gồm các công ty đang phát triển tốt, thuộc nhiều ngành nghề khác nhau sẽ giúp nhà đầu tư có được lợi nhuận ổn định về lâu về dài hoặc giảm thiểu được rủi ro thay vì chỉ đầu tư vào một công ty. Điều này phù hợp với một nguyên tắc trong đầu tư chứng khoán là “Không nên đặt tất cả trứng vào cùng một rổ”.

Đối với các công ty có vốn hóa thị trường lớn, là những công ty đã tồn tại trên thị trường lâu năm, hoạt động khá ổn định nên sự biến động về giá thường rất thấp. Chính vì thế, khi đầu tư vào các công ty này, rủi ro thường thấp hơn so với các công ty có vốn hóa nhỏ và trung bình, nhưng cũng ít khi mang về lợi nhuận lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, trong dài hạn, các công ty này thường có sự tăng trưởng nhất định về giá trị cổ phiếu và cổ tức nhận được hằng năm, nên việc nắm giữ cổ phiếu của các công ty này lâu dài sẽ có lợi cho nhà đầu tư.

Xu hướng là như thế, nhưng việc lựa chọn đầu tư vào loại công ty nào còn phụ thuộc vào nhu cầu, sở thích và tiềm lực kinh tế của mỗi người. Dù lựa chọn như thế nào thì tìm hiểu về doanh nghiệp, nghiên cứu kết quả kinh doanh cùng các chỉ số tài chính là việc đầu tiên phải làm trước khi đầu tư vào bất kỳ cổ phiếu nào.

Bài viết liên quan
Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính là gì?
16/08/2021

Đòn bẩy tài chính, một trợ thủ đắc lực trong các hoạt động đầu tư tài chính. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp…

Định chế tài chính là gì?
Định chế tài chính là gì?
22/07/2021

Định chế tài chính – một khái niệm chỉ bao quát chung cho các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Công ty môi giới…