Thị trường tài chính là gì?

Admin 17/02/2020

Thị trường tài chính là một khái niệm cơ bản nhất trong tài chính nói riêng và kinh tế nói chung. Đừng nghĩ rằng thị trường tài chính là một cái gì đó xa xôi và lớn lao. Hãy xét đến những hoạt động như đầu tư vào cổ phiếu, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền điện tử… có thể bạn chưa từng đầu tư vào các lĩnh vực này nhưng ít nhất các bạn cũng đã từng nghe qua trên các phương tiện thông tin đại chúng hay báo chí thì những thứ như chúng tôi đã liệt kê ở trên chính là các công cụ trên thị trường tài chính. Một hình thức đầu tư mà các bạn sẽ quen thuộc hơn đó chính là gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng, một việc mà bạn có thể đã từng thực hiện nhưng lại chưa từng nghĩ rằng đó chính là đang đầu tư vào thị trường tài chính.

Bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu Thị trường tài chính là gì? Cấu trúc và chức năng của thị trường tài chính.

Thị trường tài chính (Financial Market) là gì?

Thị trường tài chính là nơi diễn ra sự luân chuyển vốn từ những người có vốn nhàn rỗi đến những người thiếu vốn. Thị trường tài chính cũng có thể được định nghĩa là nơi mua bán, trao đổi các công cụ tài chính.

Bản chất của thị trường tài chính là sự giao lưu, luân chuyển vốn của xã hội. Hoạt động trên thị trường tài chính có ảnh hưởng trực tiếp tới sự giàu có của cá nhân, tới hành vi của doanh nghiệp, người tiêu dùng và ảnh hưởng đến động thái chung của toàn bộ nền kinh tế.

Chức năng của thị trường tài chính

Luân chuyển vốn của người có vốn nhàn rỗi đến người thiếu vốn

Sự luân chuyển này có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Những người có vốn nhàn rỗi sẽ đầu tư tiền vào các kênh tài chính trung gian như các ngân hàng hay các định chế tài chính, những người cần vốn sẽ đến các tổ chức này vay vốn thì đây là hình thức luân chuyển vốn gián tiếp. Những người thừa vốn mua trực tiếp các tài sản tài chính từ những người phát hành thì gọi là hình thức luân chuyển trực tiếp.

Hình thành giá của các tài sản tài chính

Thông qua tác động qua lại giữa người mua và người bán mà giá của các tài sản tài chính được xác định.

Tạo tính thanh khoản cho tài sản tài chính

Thị trường tài chính không những tạo ra cơ chế huy động vốn mà còn tạo ra cơ chế dịch chuyển sở hữu các tài sản tài chính, cho phép những người tham gia vào thị trường (nhà đầu tư) kiếm lời dựa trên chênh lệch giá (thông qua việc mua đi bán lại), tức là tạo ra tính thanh khoản cho tài sản tài chính.

Giảm thiểu chi phí tìm kiếm và thông tin

Chi phí tìm kiếm và thông tin là một loại chi phí giao dịch, chi phí này là cần thiết để có thể thực hiện các giao dịch trong thị trường tài chính. Đây là các chi phí mà nhà đầu tư phải bỏ ra để nghiên cứu các tài sản tài chính và các thông tin hữu ích để có thể giao dịch tốt trên thị trường.

Nhờ tính tập trung cộng với khối lượng và giá trị giao dịch lớn mà các thông tin của thị trường được cung cấp một cách đầy đủ và nhanh chóng. Chính vì thế thị trường tài chính giúp giảm các chi phí tìm kiếm và thông tin đến mức thấp nhất.

Cấu trúc của thị trường tài chính

Thị trường tài chính được phân loại theo nhiều cách khác nhau

Căn cứ vào thời gian luân chuyển vốn

  • Thị trường tiền tệ: mua bán, trao đổi các công cụ tài chính ngắn hạn, thường dưới 1 năm. Thị trường tiền tệ bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường ngoại hối và thị trường tín dụng.
  • Thị trường vốn: mua bán và trao đổi các công cụ tài chính trung và dài hạn: bao gồm thị trường thế chấp, thị trường cho thuê tài chính và thị trường chứng khoán.

Căn cứ vào tính chất chuyên môn hóa của thị trường

  • Thị trường công cụ nợ: mua bán công cụ nợ như trái phiếu, các khoản cho vay
  • Thị trường công cụ vốn: mua bán các cổ phiếu của các công ty cổ phần
  • Thị trường công cụ phái sinh: là thị trường cao cấp, phát hành và mua bán các chứng khoán phái sinh

Căn cứ vào cơ cấu thị trường

  • Thị trường sơ cấp (thị trường cấp 1): các công cụ tài chính được bán cho người đầu tiên mua chúng, thường là các ngân hàng lớn, các quỹ đầu tư, các định chế tài chính khác.
  • Thị trường thứ cấp (thị trường cấp 2): là thị trường giao dịch các công cụ tài chính sau khi chúng được phát hành trên thị trường sơ cấp. Thị trường thứ cấp bao gồm thị trường tập trung và phi tập trung, những người giao dịch trên thị trường thứ cấp chính là những nhà đầu tư như chúng ta.

Căn cứ vào tính chất pháp lý

  • Thị trường chính thức: là thị trường mà tại đó các giao dịch được thực hiện tuân theo những nguyên tắc, thể chế do nhà nước quy định, các chủ thể tham gia được pháp luật thừa nhận và bảo hộ.
  • Thị trường không chính thức: không được nhà nước thừa nhận và bảo hộ.

Một số loại thị trường tài chính

Thị trường chứng khoán (Securities Market)

Là nơi diễn ra các hoạt động phát hành, trao đổi và mua bán các loại chứng khoán trung và dài hạn. Chứng khoán được phát hành để huy động vốn cho doanh nghiệp và chính phủ. Các loại chứng khoán đó là cổ phiếu, trái phiếu và một số công cụ tài chính trung và dài hạn khác. Thị trường chứng khoán bao gồm thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp. Ví dụ: thị trường chứng khoán sơ cấp là nơi các công ty cổ phần phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), thị trường chứng khoán thứ cấp là nơi các cổ phiếu này được mua đi bán lại sau đợt IPO đó. Những nhà đầu tư nhỏ lẻ khi tham gia vào thị trường chứng khoán là các bạn đang giao dịch trên thị trường thứ cấp.

Thị trường ngoại hối (Foreign Exchange Market hay Forex Market)

Thị trường ngoại hối hay thị trường forex là thị trường tài chính có khối lượng giao dịch lớn nhất Thế giới. Thị trường ngoại hối là thị trường phi tập trung toàn cầu, cho phép trao đổi các loại tiền tệ. Các thực thể tham gia vào thị trường ngoại hối bao gồm các ngân hàng lớn, các quỹ đầu tư, quỹ phòng hộ… Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, thị trường forex cho phép những nhà đầu tư nhỏ lẻ được tham gia vào thị trường, không cần phải nắm giữ các loại ngoại tệ mà vẫn có thể thực hiện mua bán các cặp tỷ giá thông qua các hợp đồng chênh lệch để kiếm được lợi nhuận. Tuy nhiên, đây vẫn là thị trường không chính thức, không được pháp luật Việt Nam bảo hộ đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, chính vì thế, việc lựa chọn sàn forex uy tín trên Thế giới là việc rất quan trọng, liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư và sự bảo hộ của các cơ quan quản lý uy tín trên Thế giới đối với nhà đầu tư.

Thị trường công cụ/chứng khoán phái sinh (Derivatives Market)

Thị trường chứng khoán phái sinh chỉ mới được hoạt động từ tháng 8/2017 nhưng thu hút rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Các sản phẩm được giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh bao gồm hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi…, giá của các sản phẩm này phụ thuộc một phần vào giá trị của tài sản cơ sở (là các tài sản tài chính khác như cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ…). Tính chất và đặc điểm của các sản phẩm phái sinh rất phức tạp, những nhà đầu tư tham gia vào thị trường này đòi hỏi phải rất nhạy bén và có nhiều kiến thức.

Hiểu được bản chất của thị trường tài chính và các loại thị trường tài chính giúp nhà đầu tư có thêm cái nhìn tổng quan hơn về các vấn đề tài chính và kinh tế đang diễn ra hằng ngày. Từ đó làm nền tảng để nghiên cứu các tài sản tài chính đang được giao dịch trên thị trường, lựa chọn ra loại tài sản phù hợp với nhu cầu và tiềm lực kinh tế của mình để đầu tư tạo ra lợi nhuận.

Bài viết liên quan
Đòn bẩy tài chính là gì?
Đòn bẩy tài chính là gì?
16/08/2021

Đòn bẩy tài chính, một trợ thủ đắc lực trong các hoạt động đầu tư tài chính. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp…

Định chế tài chính là gì?
Định chế tài chính là gì?
22/07/2021

Định chế tài chính – một khái niệm chỉ bao quát chung cho các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Công ty môi giới…