Chỉ báo MACD là gì? Cách giao dịch với MACD_Histogram
MACD và MACD_Histogram là 2 chỉ báo cơ bản và phổ biến mà hầu hết trader theo trường phái phân tích kỹ thuật đều biết đến. Một trong những ưu điểm của các chỉ báo này là dễ sử dụng, mang đến cho trader nhiều tín hiệu để giao dịch. Vừa nhận dạng được xu hướng của giá, vừa xác định được lực của xu hướng nên các chỉ báo này được xem là chỉ báo 2 trong 1, chính vì thế được rất nhiều trader sử dụng khi phân tích kỹ thuật. Bài viết này sẽ giúp những trader mới hiểu rõ hơn về đặc điểm, cấu tạo và cách giao dịch với MACD, MACD_Histogram trong đầu tư forex.
Nội dung
Chỉ báo MACD, MACD_Histogram là gì?
MACD là viết tắt của Moving Average Convergence-Divergence (Phân kỳ-Hội tụ trung bình di động), MACD được phát triển bởi Gerald Appel vào năm 1970. Chỉ báo MACD có 2 thành phần chính là đường MACD và đường Signal (Tín hiệu).
- Đường MACD: các giá trị của đường MACD chính là hiệu số giữa trung bình di động hàm mũ 12 kỳ và trung bình di động hàm mũ 26 kỳ. Dữ liệu được sử dụng là giá đóng cửa (Close)
MACD = EMA (12) – EMA (26)
EMA (12) còn được gọi là trung bình di động nhanh, EMA (26) là trung bình di động chậm
- Đường Signal: được tính bằng cách lấy trung bình di động đơn giản 9 kỳ của đường MACD
MACD Signal = SMA (MACD,9)
Ý tưởng của Appel là giúp các nhà giao dịch có thể nhận biết được nhiều hơn hành vi của giá thông qua sự tương tác giữa các đường trung bình di động hơn là chính bản thân mỗi đường trung bình di động đó.
Ở hình trên, đường Signal là đường màu đỏ, đường MACD được thể hiện bằng các thanh màu xanh, nếu nối tất cả các đỉnh của các thanh màu xanh thì sẽ được đường MACD.
- MACD_Histogram
Vào năm 1986, Thomas Aspray đã phát minh ra MACD_Histogram dựa trên ý tưởng ban đầu của Appel, và ngày nay, chỉ báo này đã trở thành một trong số các chỉ báo được sử dụng phổ biến nhất. Chỉ báo MACD_Histogram phát triển thêm biểu đồ Histogram và thay đổi cách tính của đường Signal so với chỉ báo MACD ban đầu, cụ thể như sau:
- Các giá trị của đường Signal thay vì là trung bình di động đơn giản của MACD thì Aspray sử dụng trung bình di động hàm mũ của MACD.
MACD Signal = EMA (MACD, 9)
Cách tính này có một ưu điểm hơn so với cách tính ban đầu vì EMA phản ứng nhanh hơn với giá, các tín hiệu đến sớm hơn so với SMA, giúp trader nắm bắt được xu hướng sớm hơn và có điểm vào lệnh tốt hơn.
- Histogram: chính là chênh lệch giữa đường MACD và đường Signal.
Histogram = MACD – MACD Signal
Chỉ báo này không có giới hạn trên và dưới, cả 3 thành phần của chỉ báo đều chuyển động lên xuống quanh đường 0.
Ở hình trên, đường Signal là đường màu đỏ, đường MACD là đường màu xanh dương và các thanh màu xanh lá chính là Histogram.
Trên thực tế, các trader thường sử dụng chỉ báo MACD_Histogram hơn là MACD, chính vì thế, trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng chỉ báo MACD_Histogram nhưng cách xác định tín hiệu giao dịch trên MACD_Histogram cũng tương tự như MACD, chỉ khác ở chỗ là MACD_Histogram có thêm các tín hiệu giao dịch đến từ Histogram, nên các bạn vẫn có thể áp dụng đối với MACD nếu muốn sử dụng chỉ báo này.
Ý nghĩa các thành phần của chỉ báo MACD_Histogram
- Đường MACD
Đường MACD nằm phía trên đường 0 (dương), chứng tỏ EMA(12)>EMA(26), ngược lại đường MACD nằm dưới đường 0 (âm) khi EMA(12)<EMA(26).
Đường MACD dương và đang tăng có nghĩa là giá đang trong đà tăng và lực của đà tăng đang mạnh lên. Đường MACD dương và đang giảm nghĩa là giá vẫn đang trong đà tăng nhưng lực của đà tăng đang yếu đi, báo hiệu khả năng giá sẽ đảo chiều giảm.
Đường MACD âm và đang giảm (đường MACD nằm dưới đường 0 và ngày càng đi xuống) nghĩa là giá đang trong đà giảm mạnh, ngược lại đường MACD âm và đang tăng chứng tỏ đà giảm của giá đang yếu đi, báo hiệu khả năng giá sẽ đảo chiều tăng.
- Đường Signal
Về bản chất, đường Signal theo dõi động lượng của chính đường MACD, vì thế, trader sử dụng đường Signal để phát hiện ra sự thay đổi về động lượng của giá. Khi đường Signal cắt đường MACD sẽ cho các bạn biết nên Buy hay Sell phụ thuộc vào hướng di chuyển
- Histogram
Histogram dương (nằm phía trên đường 0) khi đường MACD nằm phía trên đường Signal, Histogram âm (nằm phía dưới đường 0) khi đường MACD nằm phía dưới đường Signal. Histogram bằng 0 khi 2 đường này cắt nhau.
Histogram trên biểu đồ được thể hiện bằng các thanh đứng. Nếu thanh sau cao hơn thanh trước (Histogram dương: thanh sau dài hơn thanh trước, Histogram âm: thanh sau ngắn hơn thanh trước) thì chứng tỏ thị trường đang có xu hướng tăng. Nếu thanh sau thấp hơn thanh trước thì thị trường đang có xu hướng giảm.
Cách giao dịch với chỉ báo MACD_Histogram
Tín hiệu từ đường MACD
Có 3 loại tín hiệu được tạo thành từ đường MACD
- Đường MACD cắt đường 0
- Đường MACD cắt đường Signal
- Hiện tượng hội tụ/phân kỳ giữa giá và đường MACD
- Đường MACD cắt đường 0
Khi đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên thì ít nhất sẽ có một đợt tăng giá xuất hiện, ngược lại, khi đường MACD cắt đường 0 từ trên xuống thì ít nhất sẽ có một đợt giảm giá xuất hiện.
Chiến lược giao dịch ở đây là nhà đầu tư vào lệnh Buy tại điểm mà đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên và lệnh Sell tại điểm mà đường MACD cắt đường 0 từ trên xuống.
Nếu các bạn đang ở vị thế Long (Buy) thì có thể nắm giữ vị thế cho đến khi đường MACD cắt đường 0 từ trên xuống, nếu đang ở vị thế Short (Sell) thì có thể nắm giữ vị thế cho đến khi đường MACD cắt đường 0 từ dưới lên. Chiến lược giao dịch với tín hiệu này không có điểm stop-loss cụ thể nên sẽ rất khó khăn trong vấn đề quản lý rủi ro, tuy nhiên, các bạn có thể đặt stop-loss tại đáy gần nhất (nếu là lệnh Buy) hoặc đỉnh gần nhất (nếu là lệnh Sell) hoặc đặt stop-loss bằng tối đa 2% tổng tài số dư tài khoản.
Trong thực tế, đường MACD rất hay cắt đường 0, chiến lược này chỉ mang lại lợi nhuận cao nếu có xu hướng mạnh xuất hiện ngay sau thời điểm vào lệnh, nếu xu hướng không rõ ràng thì tín hiệu này lại trở nên rất yếu.
- Đường MACD cắt đường Signal
Đường MACD cắt đường Signal cung cấp tín hiệu giao dịch tốt hơn và có độ trễ thấp hơn so với khi cắt đường 0 và tín hiệu này được nhiều trader sử dụng hơn.
Khi đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên thì giá sẽ chuyển sang xu hướng tăng hoặc ít là có một đợt tăng giá xuất hiện, cung cấp tín hiệu vào lệnh Buy, ngược lại, đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống thì cung cấp cho các bạn tín hiệu vào lệnh Sell.
Chiến lược giao dịch theo tín hiệu này cũng không có điểm dừng lỗ cụ thể, các bạn có thể áp dụng phương pháp dừng lỗ như trường hợp trên.
Ở hình trên, các bạn sẽ dễ dàng nhận thấy rằng nếu thị trường không trong một xu hướng cụ thể thì đường MACD sẽ liên tục cắt đường Signal, khi giao dịch với các tín hiệu này, có thể lợi nhuận mang lại là rất nhỏ và không bù đắp được chi phí giao dịch nếu không có một xu hướng mạnh xuất hiện. Chính vì thế, tốt hơn hết là các bạn chỉ giao dịch với tín hiệu này khi giá đang trong một xu hướng dài hạn rõ ràng. Ví dụ, giá đang trong một xu hướng giảm dài hạn thì các bạn chỉ nên giao dịch khi xuất hiện tín hiệu đường MACD cắt đường Signal từ trên xuống để vào lệnh Sell, không nên đặt lệnh Buy khi đường MACD cắt đường Signal từ dưới lên trong trường hợp này.
- Hội tụ/Phân kỳ giữa đường MACD và đường giá
- Hội tụ xảy ra khi giá tạo đáy sau thấp hơn đáy trước nhưng đường MACD tạo đáy sau cao hơn đáy trước, điều này chứng tỏ đà giảm của giá đang dần yếu đi, báo hiệu một sự đảo chiều sắp xảy ra, xuất hiện một xu hướng tăng của giá.
- Phân kỳ xảy ra khi giá tạo đỉnh sau cao hơn đỉnh trước nhưng đường MACD tạo đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, chứng tỏ đà tăng của giá đang yếu dần, đảo chiều sắp xảy ra, một xu hướng giảm sẽ xuất hiện ngay sau đó.
Để giao dịch với tín hiệu phân kỳ giữa giá và đường MACD, đầu tiên các bạn phải chờ đợi tín hiệu phân kỳ xảy ra trong một xu hướng tăng, khi giá tạo đỉnh cao hơn nhưng đường MACD lại tạo đỉnh thấp hơn. Sau khi sự phân kỳ đã thực sự xảy ra, các bạn phải xác định điểm vào lệnh Sell. Để xác định được điểm vào lệnh, bạn vẽ đường trendline cho xu hướng tăng trước đó, nếu giá chưa phá vỡ trendline thì vẫn chưa vào lệnh mặc dù đã xuất hiện sự phân kỳ. Khi giá bắt đầu phá vỡ trendline thì xác định điểm vào lệnh. Đặt stop-loss tại đỉnh gần nhất trước đó.
Đối với trường hợp hội tụ giữa giá và đường MACD cũng tương tự như trường hợp phân kỳ, đầu tiên là chờ đợi tín hiệu hội tụ xảy ra khi giá tạo đáy thấp hơn nhưng đường MACD tạo đáy cao hơn. Sau đó xác định điểm vào lệnh bằng cách vẽ đường trendline cho xu hướng giảm trước đó và vào lệnh khi giá bắt đầu phá vỡ đường trendline. Đặt stop-loss tại đáy gần nhất trước đó.
Ngoài trendline, các bạn có thể sử dụng các phương pháp, công cụ khác để xác định điểm vào lệnh hợp lý, phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể.
Tín hiệu từ biểu đồ Histogram
Trong chỉ báo MACD_Histogram, các bạn có thể giao dịch với các tín hiệu tạo ra từ biểu đồ Histogram, bao gồm tín hiệu Histogram cắt đường 0 và độ dốc của Histogram.
- Histogram cắt đường 0
Đặt lệnh Buy khi Histogram cắt đường 0 từ dưới lên và Sell khi Histogram cắt đường 0 từ trên xuống. Tín hiệu để vào lệnh này cũng chính là tín hiệu để thoát lệnh kia, tức là thoát lệnh Buy khi Histogram bắt đầu cắt Đường 0 từ trên xuống và ngược lại.
Tuy nhiên, đây thực sự không phải là một tín hiệu mạnh, các bạn chỉ thu được lợi nhuận cao khi xuất hiện một xu hướng mạnh sau khi vào lệnh làm cho Histogram cách xa đường 0. Không nên vào lệnh khi Histogram quá gần Đường 0.
- Độ dốc của Histogram
Khi Histogram tăng lên (thanh sau dài hơn thanh trước nếu Histogram dương và thanh sau ngắn hơn thanh trước nếu Histogram âm) thì độ dốc tăng lên lúc này thị trường đang có xu hướng tăng, tín hiệu vào lệnh Buy.
Khi Histogram giảm xuống thì độ dốc giảm, thị trường có xu hướng giảm, tín hiệu cho các bạn vào lệnh Sell.
Tín hiệu dựa vào độ dốc của Histogram sẽ hoạt động hiệu quả nếu áp dụng giao dịch trên khung thời gian dài hạn, từ 1 tuần trở lên.
Bên cạnh đó, các trader còn sử dụng tín hiệu hội tụ/phân kỳ giữa Histogram và giá để xác định sự đảo chiều của xu hướng giá. Cách giao dịch với tín hiệu này tương tự với tín hiệu hội tụ/phân kỳ giữa giá và đường MACD.
Ưu và nhược điểm của chỉ báo MACD_Histogram
- Ưu điểm
MACD_Histogram kết hợp cả 2 khía cạnh về xu hướng và động lượng trong cùng một chỉ báo.
Là một chỉ báo xu hướng, MACD_Histogram xác định được xu hướng của giá và xu hướng này đặc biệt chính xác trong dài hạn. Sử dụng các trung bình di động để thiết lập chỉ báo chính là sự bảo đảm rằng giá sẽ đi đúng xu hướng, hơn nữa, việc sử dụng trung bình di động hàm mũ thay cho trung bình di động đơn giản sẽ loại bỏ được một phần độ trễ.
Là một chỉ báo động lượng, MACD_Histogram có khả năng cảnh báo sự đảo chiều của xu hướng. Sự hội tụ/phân kỳ giữa giá và đường MACD hoặc giữa giá và Histogram chính là các tín hiệu để cảnh báo giá có thể đảo chiều ngay sau đó.
- Nhược điểm
Bản thân MACD_Histogram là một chỉ báo xu hướng theo sau nên vẫn tồn tại một độ trễ nhất định. Chỉ báo chỉ đưa ra tín hiệu khi xu hướng đã xảy ra trước đó trên giá. Hơn nữa, các chiến lược giao dịch dựa vào tín hiệu tạo bởi chỉ báo này không cung cấp các thông tin cụ thể về điểm vào lệnh hay dừng lỗ, nhà đầu tư phải áp dụng các chỉ báo hay phương pháp khác để xác định các yếu tố này.
Cài đặt chỉ báo MACD_Histogram trong phần mềm MT4.
Ở phần này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các bạn cài đặt cả chỉ báo MACD và chỉ báo MACD_Histogram.
Để chèn chỉ báo MACD, các bạn làm theo đường dẫn sau:
Insert –> Indicators –> Oscillators –> MACD
Hộp thoại cài đặt chỉ báo MACD hiện ra như sau:
Tại tab Parameters, bạn chọn số kỳ cho các trung bình di động hàm mũ và trung bình di động đơn giản. Phần mềm đã mặc định sẵn là EMA (12) và EMA (26) để tính các giá trị cho đường MACD và SMA (9) để tính giá trị đường Signal. Tại ô Apply to, các bạn chọn dữ liệu giá đóng cửa (Close), sau đó bấm OK
Tab Colors, các bạn chọn màu sắc và style cho đường MACD và đường Signal
Tab Levels, các bạn có thể Add thêm đường 0 và cài đặt màu sắc cho đường này, nhưng cho dù bạn không thêm vào thì phần mềm cũng đã hiển thị sẵn đường 0 cho bạn
Tab Visualization: nếu muốn hiển thị chỉ báo trên khung thời gian nào thì chọn vào khung thời gian đó, chọn tất cả thì bấm All timeframes
Để chèn chỉ báo MACD_Histogram, các bạn làm theo đường dẫn sau:
Insert –> Indicators –> Custom –> MACD_Histogram
Ở chỉ báo này, các bạn chỉ cần cài đặt tab Colors, Level và Visualization
Tab Colors, các vị trí thứ tự từ 0 đến 4 lần lượt đại diện cho các thành phần sau: Đường MACD, Đường Signal, Histogram, Tín hiệu Buy, Tín hiệu Sell.
Các tab Level và Visualization thì cài đặt tương tự như chỉ báo MACD.
Chỉ báo MACD_Histogram hiện nay được sử dụng rộng rãi để phân tích xu hướng giá của tài sản trong các thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường forex và chứng khoán.
Mặc dù chỉ báo MACD_Histogram được cải tiến hơn so với MACD, giúp trader ngoài việc xác định được xu hướng của giá thì còn có thể đo lường được động lượng hay lực của xu hướng, tuy nhiên, MACD_Histogram vẫn tồn tại một độ trễ nhất định và các tín hiệu nhận được không phải lúc nào cũng là một tín hiệu mạnh, chính vì thế, để sử dụng chỉ báo MACD_Histogram một cách hiệu quả nhất, các bạn cần kết hợp thêm các chỉ báo hoặc phương pháp phân tích khác.
Tất cả các chỉ báo kỹ thuật đều không có một độ chính xác tuyệt đối nào cả, vì vậy bắt buộc các bạn phải luyện tập thật nhiều để tự đúc kết kinh nghiệm cho riêng mình, biến kinh nghiệm thành phương pháp giao dịch riêng thì mới hy vọng đạt được thành công.
Bài viết liên quan

Nếu bạn quan tâm đến quyền chọn nhị phân (Binary Option – BO) và đang tìm kiếm cho mình một sàn giao dịch uy tín…



Copy trade là một hình thức đầu tư tiềm năng trên thị trường forex, đặc biệt dành riêng cho những người chưa có kinh nghiệm,…


Doji là một trong những mô hình nến đảo chiều phổ biến, hỗ trợ trader xác định thời điểm vào lệnh chính xác hơn. Vậy…


Đòn bẩy tài chính, một trợ thủ đắc lực trong các hoạt động đầu tư tài chính. Nếu sử dụng đòn bẩy tài chính hợp…


Trước tình hình kinh tế tăng trưởng chậm bởi đại dịch Covid-19 như hiện nay, thì kinh doanh vàng có thể nói là kênh đầu…


Định chế tài chính – một khái niệm chỉ bao quát chung cho các tổ chức tài chính như Ngân hàng, Công ty môi giới…